PECXÊPHÔN hay Mùa Xuân
Biết bao nhà thơ đã ca ngợi Mùa Xuân, biết bao hoạ sĩ đã vẽ cảnh "Xuân tươi", "Xuân hồng", Mùa Xuân với cảnh "Non sông như vẽ, cỏ hoa tươi" (Tản Ðà), và đến Mùa Xuân, "Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn" (Xuân Diệu). Mùa Xuân, đất trời tươi thắm trở lại, sau mùa đông ẩm ướt (nhất là ở phương Tây mùa đông, cỏ cây trụi lá, lúa ẩn kín dưới tuyết...). Mùa Xuân là mùa hoa nở, là mùa của tình yêu. Xưa kia, để giải thích "xuân đi, xuân lại lại", sự chuyển động của vũ trụ xuân, hạ, thu, đông, nhiều dân tộc tưởng tượng những truyền thuyết rất hay. Sau đây là chuyện nàng Pecxêphôn trong thần thoại Hy lạp.
Pecxêphôn cùng bầy tiên nữ tung
tăng trong rừng hoa ở một thung lũng rất nên thơ; hoa hương và những thiếu
nữ đẹp tuyệt trần, tiếng cười hồn nhiên, trong suốt như pha lê nghe như
tiếng chim hót. Bỗng một tiếng thét thất thanh: "Cứu tôi với!". Các
nàng tiên quay cả về phía có tiếng thét, thì chỉ thấy cái đầu và hai bàn
tay chới với của tiên nữ Pecxêphôn rơi xuống một vực thẳm. Bầy tiên
nữ bỏ chạy tán loạn. Tiếng thét khủng khiếp của nàng Pecxêphôn vàng
đến tận Ôlanhpơ, nơi ở của mẹ nàng, Nữ thần Ðêmête vĩ đại. Ðêmête là
nữ thần Lúa mì, nàng cai quản đất đai, việc trồng trọt và mùa màng dưới
trần thế; nàng ban ấm no, hạnh phúc cho loài người. Nàng chỉ có một con gái
duy nhất, Pecxêphôn, thiếu nữ xinh đẹp ít thấy dưới trần gian. Nữ thần
Ðêmête nghe tiếng con gái kêu cứu, vứt bỏ việc xếp đặt mưa thuận gió hoà
cho loài người, lướt xuống mặt đất, nhanh như cơn gió. Nàng đến khu rừng
có tiếng thét lúc nãy; nàng gặp bầy tiên nữ tan tác, con mắt vẫn đầy kinh
hoàng. Không ai biết gì hơn. Thương con gái, đau xót cho số phận của con,
Ðêmête đi khắp nơi; đi ngày đi đêm, để tìm con gái yêu quý. Hỏi rừng,
rừng lặng lẽ lắc đầu; hỏi núi, núi ngơ ngác; hỏi sông, sông chỉ biết tuôn
dòng lệ cảm thương người mẹ mất con; hỏi biển, biển thì thầm những lời an
ủi. Chín ngày, chín đêm; bàn chân người mẹ đã rớm máu, mà nàng vẫn bặt
tin con. Ðến ngày thứ mười, thần mặt trời Hêliôt - vị thần có những ánh
mắt nhìn thấu tận vực sâu, rừng già - động mối từ tâm, mới gọi nữ thần
Dêmête đến và bảo:
- Hỡi nữ thần Ðêmête hiền từ và phúc
hậu, Pecxêphôn xinh đẹp, con gái của nữ thần, đã bị thần cai quản thế giới
âm phủ Hađet, bắt cóc và đưa xuống âm phủ làm vợ.
Ðêmête rụng rời,
nước mắt chảy chan hoà. Ngừng một lúc, thần Hêliôt nói tiếp:
- Việc này do vị thần tối cao Dơt sắp
đặt. Vốn là Heđet cai quản cả một thế giới rộng lớn, tuy rộng lớn nhưng vô
cùng buồn thảm; ngày đêm Hađet chỉ trông thấy những cái bóng vật vờ, ủ rũ
và chỉ nghe thấy những tiếng khóc than. Hađet muốn có một người vợ cho đỡ
cô đơn; nhưng chẳng nữ thần nào, chẳng cô gái đẹp nào chịu xuống cái thế
giới buồn thảm ấy, tuy quyền uy của thần Hađet rất to lớn. Nếu không lấy
được vợ, Hađet sẽ bỏ mặc thế giới âm phủ, để lên Ôlanhpơ hay thế giới
trần tục loài người sống cuộc sống vui vẻ hơn. Hađet bày tỏ suy nghĩ của
mình với Dơt. Nghe vậy, Dơt hơi hoảng sợ, bởi vì nếu thần Hađet bỏ đi, thì
cả thế giới âm phủ mênh mông ấy làm loạn mất. Dơt trấn tĩnh lại ngay; thần
từ tốn bảo Hađet:
- Ðược, được; thần có thể bắt lấy
nàng Pecxêphôn rồi đưa xuống âm phủ làm vợ.
Ðược lời Dơt, Hađet thực hiện ngay tức khắc việc bắt cóc tiên nữ
Pecxêphôn trong rừng hoa. Thần lấy rìu xẻ một cái vực ngay dưới bước chân
của tiên nữ; Pecxêphôn rơi xuống, tức khắc được đón vào một cỗ xe ngựa
lộng lẫy và đưa như bay về cung điện của Hađet.
Thần Mặt Trời tiếp tục đánh cỗ xe
lửa đi về phía Tây. Nữ thần Ðêmête bàng hoàng đau xót. Nàng uất ức và
oán hận Dơt vô lương tâm. Nàng đau đớn quá, nàng không trở lại Ôlanhpơ
nữa; nàng sẽ sống mai danh ẩn tích giữa loài người. Nàng biến hình thành
một bà già mặc áo dài đen, đi lang thang, rồi định cư ở một gia đình gần
thành Aten. Ôlanhpơ vắng bóng nữ thần Ðêmête; từ nay không còn ai trông nom
đất đai, cây cỏ, hoa màu, mưa móc dưới trần gian. Thành ra, lúa không mọc,
hạt không nẩy mầm, cỏ héo khô cháy lại, hoa quả quắt queo. Dân tình đói
khổ không sao kể xiết. Các đền thờ thần vắng tanh vắng ngắt; bởi các thần
không có lễ vật, cũng gầy đi vài phân và cuộc đời buồn chán. Loài người
có nguy cơ bị tiêu diệt. Tai hoạ quá lớn, thần Dơt phải triệu tập một buổi
họp đủ mặt các thần, tìm cách giải trừ tai biến. Sau đó, lần lượt vị
thần này đến vị thần khác, xuống trần thế, thuyết phục Ðêmête trở về
Ôlanhpơ; tất cả đều thất bại; tất cả được nghe chỉ một lời nói dối đanh
thép của nữ thần Lúa mì:
- Chừng nào Pecxêphôn chưa trở về với
mẹ, chừng ấy tôi còn ở dưới trần gian này, cho đến lúc mặt đất bi sầu
cằn cỗi, như người mẹ mất con.
Dơt cuối cùng hạ lệnh cho Thần Ðưa tin, Hecmet, xuống âm phủ truyền đạt cho Hadet biết quyết định của hội nghị các thần: Hađet phải trả lại Pecxêphôn cho mẹ nàng là nữ thần Ðêmête. Thần Ðưa tin thấy nàng Pecxêphôn đang ngồi ủ rũ bên cạnh thần Hađet. Sau khi biết lệnh truyền của Dơt, nàng tươi cười vội vàng sắm sửa ra về. Nàng không biết rằng Hađet đã dùng phép lạ để nàng không rời bỏ hẳn được vương quốc âm phủ. Hađet thương tiếc dẫn nàng lên cỗ xe vàng có cánh để nàng về dương thế. Chỉ một lát, thế giới của ánh sáng chan hoà làm cho khuôn mặt Pecxêphôn rạng rỡ, hồng tươi. Thấy mẹ đứng đón, nàng nhảy vào lòng mẹ; hai mẹ con khóc nức nở. Pecxêphôn đã trở về với mẹ. Song, mỗi năm do phép lạ của Hađet, nàng phải xa mẹ bốn tháng trời, để xuống âm phủ sống với Hađet. Cả thế gian cùng với nữ thần Ðêmête tiễn đưa nàng, những giọt lệ rơi, thành những lá vàng úa cuối thu; sông hồ im lìm, không một làn sóng, trắng bệch thành tuyết phủ. Vũ trụ như đã chết. Bốn tháng trôi chậm rãi rồi cũng qua đi. Hết bốn tháng bị giam dưới âm phủ, nàng Pecxêphôn trở về mặt đất. Nữ thần Ðêmête sung sướng, tươi cười ôm chặt lấy con gái yêu quý. Vũ trụ sống dậy đón chào thiếu nữ tươi vui xinh đẹp. Lộc nảy nở, lá xanh rờn, hoa tươi thắm; lúa mì, rau tươi đầy đồng, đầy vườn. Cả mặt đất tưng bừng chào Pecxêphôn. Nàng về là mùa Xuân đến.
Ðó là cách giải thích sự luân chuyển bốn mùa của người Hy lạp thời cổ đại.
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn